Giám đốc Đào tạo – Công ty TNHH & SXKD VinFast / VinGroup, nguyên Phó Viện trưởng, Giảng viên Viện Cơ khí Đại học Bách Khoa Hà Nội với hơn 15 năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn giải pháp cải tiến Năng suất (Productivity) – Chất lượng (Quality) và Hoạt động hiệu quả (Operation Excellence), chuyên gia Đổi mới Sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực Sản xuất và Dịch vụ theo phương pháp Quản trị tinh gọn Lean và hệ thống chất lượng Six Sigma.
- 25/7/2016 – 9/3/2017 Chương trình đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Phần Lan IPP – “Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp” – Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
- 28/3- 1/4/2016 COMET, USA Mekong Skills to Work – “Đào tạo Giảng viên nâng cao về Phương pháp đào tạo” – Băng Cốc, Thái Lan
- 8,9/12/2015 Jan-U, Sandal Institute & Omega Institute – “Khóa học về Doanh nghiệp Xã hội” – Hà Nội, Việt Nam
- 8/2015 COMET, USA Mekong Skills to Work – “Đào tạo Giảng viên về Phương pháp đào tạo” – PhnomPenh, Cambodia
- 25/4 – 3/6/2015 HEEAP, USA – “Đào tạo Phát triển Chương trình Liên kết Giáo dục Kỹ thuật Cao cấp” – Tempe, Arizona, USA
- 6/2015 -2/2016 Japan Productivity Center – “Chuyên gia đào tạo tư vấn Năng suất” – Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
- 4/2015 ASK – “Chuyên gia đào tạo” – Hà Nội
- 12/2014 BSi Vietnam – “Chuyên gia đánh giá nội bộ ISO 9001:2008” – 45 Võ Thị Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
- 10/2012 AOTS Japan – “Tiêu chuẩn kỹ thuật về Lò xo ISO/TC 27” – Osaka, Japan
- 3/2014 – 3/2015 Gemba Academy – “Lean Six Sigma” – Morro Bay, CA 93443 United States
- 14-17/12/2010 Chương trình đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Phần Lan IPP – “Quản lý Đổi mới Sáng tạo” – Đà Nẵng, Việt Nam
Đông tốt nghiệp ngành Công nghệ Chế tạo máy, Khoa Cơ Khí, nay là Viện Cơ Khí Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2002, học tiếp lên Thạc sỹ đến năm 2004 và lấy bằng Tiến sỹ ngành Cơ khí – Vật liệu tại Đại học Nagaoka Nhật Bản năm 2009. Đông hiện giảng viên và là Phó Viện trưởng Viện Cơ Khí, chuyên gia đào tạo và huấn luyện cho các đối tượng học chuyên ngành kỹ thuật, các cán bộ quản lý, công nhân viên và các lãnh đạo CEO tại các doanh nghiệp về cả chuyên môn, công cụ quản lý quản trị trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực làm việc, đem lại hiệu quả hoạt động vượt trội.
Là một người tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngành kỹ thuật, những tưởng cuộc sống sẽ dẫn Đông đi theo hướng làm kỹ sư thiết kế, gia công chế tạo trong các nhà máy, tại các công xưởng sản xuất, hay theo đuổi các dự án chuyển giao công nghệ, lắp đặt vận hành thiết bị… Nhưng, có lẽ là cái Duyên, hay là câu chuyện của nghề chọn người mà Đông lại đang dành nhiều tâm huyết và công sức cho nghề đào tạo, huấn luyện này.
Để có được thời điểm như bây giờ, Đông cũng đã từng có những lúc chẳng biết phải định hướng công việc của mình sẽ làm gì, đặc biệt là sau khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh ở Nhật về năm 2009. Đúng lúc đó thì Đông có cơ hội trải nghiệm khi làm quản lý sản xuất cho công ty sản xuất Nội thất và quản lý công tác bảo trì cho công ty sản xuất Bao bì, khi đó phải đảm nhận trực tiếp việc xây dựng hệ thống cho công ty, phải tìm hiểu thêm các công cụ như ISO, 5S, Kaizen, PDCA, Jidoka, Just In Time… của TPS (hệ thống sản xuất của Toyota) và sau này là Lean (hệ thống sản xuất tinh gọn), rồi Six Sigma (hệ thống quản trị chất lượng) phục vụ cho hoạt động sản xuất thường ngày. Lúc này mới nhớ lại thời kỳ khi còn làm thêm ở bên Nhật, trong quán Susi, đi làm carter cho sân Golf, đưa báo, vai trò người công nhân đứng trong dây chuyền sản xuất, thì toàn bộ hệ thống quản lý của Nhật tự nhiên hiện lên một cách rõ ràng. Sau này song song với công việc giảng dạy ở trường đại học Bách Khoa Hà Nội nơi công tác, Đông vẫn tiếp tục tự tìm hiểu, trau dồi và có cơ hội chia sẻ, đào tạo, huấn luyện các doanh nghiệp, tổ chức làm trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thì mới thấy người Nhật nhận xét rất đúng về người Việt Nam, đó là người Việt Nam rất có năng lực, chủ yếu là thiếu phương pháp làm việc để khai phá hết khả năng của mình. Năm 2015, Đông tham dự khóa huấn luyện “Chuyên gia đào tạo về Năng suất Chất lượng” do Trung tâm năng suất Nhật Bản thực hiện, bổ sung thêm lượng lớn kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Loay hoay với trăn trở từ nhận xét của người Nhật, làm sao cải thiện phương pháp làm việc, nâng cao năng lực làm việc cho các sinh viên trước khi tốt nghiệp ra trường, Đông lại có cơ hội tham dự 02 dự án về giáo dục của chính phủ Mỹ. Một là Phương pháp giảng dạy tích cực của chương trình HEEAP, và một là Đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực của COMET. Thông qua cả 02 dự án này, Đông đã trau dồi năng lực của mình cả về phương pháp và công cụ giảng dạy dựa trên nền tảng của học thuyết kiến tạo (constructivism), học tập tích cực (active learning), học tập dựa trên giải quyết vấn đề (problem based learning), và lấy người học làm trung tâm (learner centered). Đông cũng được công nhận là giảng viên quốc tế của cả 02 dự án cho các nước khu vực Đồng bằng Sông Mekong.
Cho đến khi nhu cầu về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp được phổ biến ở Việt Nam với sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành Quốc gia Khởi nghiệp vào năm 2020. Đông được tham gia vào chương trình đào tạo giảng viên nguồn về Đổi mới Sáng tạo cho khối các trường Đại học của chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan IPP. Các kiến thức về Đổi mới Sáng tạo và Nghiên cứu Khoa học trong trường đại học đã giúp Đông củng cố và hoàn thiện về chương trình đào tạo R&D – Nghiên cứu Phát triển cho cả sinh viên và các Doanh nghiệp có nhu cầu về R&D trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Là cơ sở để các sản phẩm nghiên cứu như: cánh tay rô bốt hỗ trợ tập phục hồi chức năng khuỷu tay khớp vai, thiết bị sưởi ấm dịch truyền, thiết bị hỗ trợ duy trì hô hấp nhân tạo, thiết bị nông nghiệp phục vụ bón phân tra hạt, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật… và ngày càng nhiều sản phẩm khác nữa được hình thành từ các ý tưởng của Đông cùng các bạn học viên nghiên cứu, dựa trên sự đồng cảm và mong muốn rất lớn là làm sao để đưa việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Trong việc khám phá bản thân, Đông cũng tìm hiểu các tài liệu về Văn hóa cổ Phương Đông để hiểu mình và hiểu người hơn. Đông cũng học khí công, thiền để gần gũi hơn với tự nhiên, bởi chỉ có thuận theo lẽ tự nhiên mà hành sự, khi đó chúng ta mới có cuộc sống hài hòa và cân bằng được. Tất cả những điều này, Đông học được từ ông thầy lớn nhất của mình, đó là sách.
Đông thích đọc sách, bởi đồng tình với quan điểm của tập đoàn Matsushita Electric, thương hiệu Panasonic qua câu viết: “Make People Before Make Products”. Chừng nào chúng ta chưa thấm và ngấm các bài học làm Người trước, thì học những điều khác cũng vô ích. Vậy nên Đông tìm đọc nhiều để hiểu thế giới quan, về Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân), hiểu sự vận hành có quy luật của Tự nhiên, đó là cái “Đạo” cao nhất, chi phối “Đạo” của Địa, hay của Nhân theo câu nói: Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên. Đơn giản lắm mà lại Vô cùng lắm. Đông bắt đầu bằng các sách viết về câu chuyện làm Người, cách đối nhân, xử thế, chia sẻ, bao dung, cách cho, nhận… để khi nào trong Tâm cũng chỉ khởi lên những điều tốt đẹp, mong cầu những điều tốt lành, trước là cho bản thân, sau là cho những người thân, và mọi người trong xã hội. Được như vậy thì mọi thứ tự nhiên sẽ đến.
Những lúc rảnh rang, Đông thích ngồi để viết, viết về những điều xung quanh cuộc sống, về những trải nghiệm nhân vật rất dỗi đời thường. Đông viết cũng là để tập cho mình thói quen quan sát, lắng nghe và cảm nhận thế giới xung quanh. Đó cũng chính là lý do để cho ra đời Blog nho nhỏ này.
Còn rảnh rang nữa ư, bạn sẽ gặp Đông đang ngồi trong một quán café có décor thật đẹp, với nhạc không lời nhẹ nhàng, ngân nga âm thanh của piano, của guitar, với những bản nhạc bất hủ của Richard Clayderman hay của Omar Akram. Nếu có cây đàn guitar trong tay, Đông rất sẵn lòng tặng bạn một ca khúc mà Đông lỡ… sáng tác khi còn là cậu sinh viên năm thứ hai nữa.
Chào mừng bạn ghé thăm góc nhỏ của Đông.
Mùa Xuân 2017
Giang Ngũ Hồ